Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012


NGUYỄN TỘC GIA PHẢ

*****

Bài tự

Tại sao phải làm gia phả? Vì đạo gốc ở giời, người gốc ở tổ. Cho nên một nước phải có sử ký để chép chính quyền trong nước, một nhà phải có gia phả để ghi di tích một họ. Khiến người đời sau tựa đó làm bằng và diễn tôn phái về sau.

Dù rằng có những con hiền, cháu thánh kế tiếp lên, ai chẳng bởi di tích của đời trước; các bậc Minh vương, Thịnh đế, nối gót nhau, đâu chẳng gốc bởi phát tích tự người xưa. Mình là kẻ phàm dân tuy không được như thế. Nhưng nếu bằng giữ được đạo chính truyền cho nhau, cũng chẳng bị mất nền nếp một nhà tích thiện.

Nhà ta ở hoa thôn Ngọc Kiệu (1), thắng địa tỉnh Sơn Tây. Sau khi bị loạn lạc nhà Mạc khởi gia ở làng này có bẩy họ (2) thì họ Nguyễn nhà ta là một. Xét thì nguồn lạch rất xa, không biết phát tích từ đâu; công đức thất truyền, chẳng hay tại đâu được thế. Tự đời ấy đến nay tích đức giồng nhân tương truyền đã mười hai mười ba đời, nay thành một họ to trong làng.

Nay nhớ đến các bực tiền nhân nhà ta, nhân lúc nhàn rỗi, biên thành một thiên gia phả này. Tự sáu đời giở lên húy thụy lờ mờ, phần mộ sai lạc, tự sáu đời giở lại húy hiệu rõ ràng, phần mộ phân minh. Cho nên hoặc chép có thụy húy và phần mộ và ngày giỗ, hoặc chép đủ tự, húy và phần mộ, cùng là công nghiệp đức hạnh của tiền nhân để lưu truyền về sau. Đời nay xem đấy mà biết được truyện ngày xưa; đời sau xem đấy biết được truyện đời nay.

Nay tự.

Thiên gia phả này nguyên chữ Hán tự ( chữ Nho ). Tôi sợ thế cục thay cũ đổi mới, Hán tự ngày mỗi tiêu diệt, dẫu rằng có thiên gia phả này cũng như không, nên tôi đem dịch ra chữ Quốc ngữ, để con cháu tiện xem.

Thiên gia phả không phải một người biên một ngày xong được, tất do nhiều đời, đời nào cũng tiếp tục biên vào mới thành.

Việt Nam, tỉnh Hà Đông, phủ Hoài Đức, làng Ngọc Hạnh (Kiệu)

Ngày 26 tháng 1 năm 1948 tức 16 tháng 12 năm Đinh Hợi

Phụng dịch và tục biên Nguyễn Hữu Doanh (3)

(1) Ngọc Kiệu địa dư lịch sử.

Ngọc Kiệu ta nay khảo cứu các bia văn, các giấy má của tiền nhân để lại và sổ Gia Long, thì làng ta nguyên xưa là thôn Ngọc Kiệu, xã Ngọc Hạnh, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Bản triều Nguyễn không biết vào khoảng niên hiệu nào, mới đổi đem huyện Từ Liêm sát thuộc với phủ Hoài Đức và lệ thuộc tỉnh Hà Nội, và bỏ ( nguyên văn “bổ”) xã Ngọc Hạnh, đổi thôn Ngọc Kiệu làm xã Ngọc Kiệu.

Tây Tựu trước kia là Tây Đam, sau không biết vào thời nào mới đổi làm Tây Tựu.

Đời vua Thành Thái, cuộc bảo hộ lập thành mới lập thành Hà Nội làm thành phố, đưa tỉnh lỵ về làng Cầu Đơ gọi là Cầu Đơ tỉnh, sau mới đổi là tỉnh Hà Đông.

(2) Bẩy họ là họ Nguyễn, họ Bùi, họ Thế ( Nguyễn Thế ), là 3 họ to. Họ Bá ( Nguyễn Bá ), họ Quách, họ Thờ ( Nguyễn Thờ ), họ Đăng( Nguyễn Đăng ) là những họ vừa vừa. Họ Ngô, họ Trịnh, họ Đình( Nguyễn Đình), họ Hoàng, họ Bùi Quang, họ Quách Quang là những họ bé nhỏ. Trước kia còn ( nguyên văn “ là”) họ Đô, họ Đào nhưng hiện không còn ai là giai.

(3) Cuốn gia phả này do các cụ Điển và cụ Như Ý (đời thứ 12) biên tập bằng chữ Nho. Năm 1948 cụ Thừa Diên ( đời thứ 13) biên dịch sang Quốc ngữ và bổ sung thêm các phần về tài sản dựa trên các chúc thư và văn tự. Bản viết tay này thực ra do cụ Ngư ( đời thứ 14 ) chép theo lời dịch của cụ Thừa Diên.